
Bí quyết giỏi tiếng Anh thật sự, đừng tìm ở đâu nữa!
Để giỏi tiếng Anh, có nhiều cách khác nhau. Có người bỏ tiền tham dự những khóa học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ danh tiếng, có người đi đến tận các nước bản xứ để học tiếng Anh, có người học vài năm đã nghe nói tiếng Anh lưu loát, có người học trên mười năm mà vẫn chưa đến đâu. Mỗi người với điều kiện cá nhân khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau nên thành quả của họ đương nhiên khác nhau. Chỉ có một điểm chung duy nhất mà bất cứ ai muốn giỏi tiếng Anh nói riêng hay bất cứ môn học nào khác nói chung đều phải có: đó là tự học. Đúng vậy, chỉ có tự học mới đưa bạn đến đỉnh cao thành tích trong bất kỳ môn học nào. Bạn có thể bỏ ra nhiều tiền để có được những giờ học danh giá với những người thầy giỏi nhất, nhưng họ không thể học giùm cho bạn. Ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe qua câu nói đó. Như vậy, bạn đã đồng ý rằng chúng ta cần phải tự học và có lẽ bạn đang thắc mắc: tự học như thế nào?
Mỗi người có một cách học riêng, khả năng riêng, không ai giống ai. Vì vậy, không thể có một công thức chung cho tất cả. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định với bạn rằng chìa khóa của thành công trong việc học ngôn ngữ nằm trong câu “tâm pháp” này: “exposure, exposure and exposure” (Tiếp xúc, tiếp xúc và tiếp xúc). Bạn lưu ý rằng khi tôi nói thành công trong việc học Anh ngữ, tôi không có tham vọng mong muốn tất cả người Việt chúng ta đều trở thành những nhà ngôn ngữ học hay văn phạm học. Theo tôi, bạn đã thành công rực rỡ trong việc học tiếng Anh khi bạn có thể sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống thực tiễn, bao gồm: biết dùng tiếng Anh giao tiếp thoải mái, tự tin với người nước ngoài, biết dùng tiếng Anh để nghiên cứu tài liệu giúp ích cho nghề nghiệp bản thân hoặc chỉ đơn thuần để nâng cao kiến thức, có thể hiểu được ít nhất 90% khi xem những kênh truyền hình tiếng Anh…vv.. Chỉ bấy nhiêu thôi, theo tôi là không ngoài khả năng của người Việt Nam vốn dĩ ham học, chịu khó và thông minh. Tôi muốn bạn hình dung về toàn bộ quá trình học tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao như sau:
1. Một tòa nhà cao cần phải được xây từ một nền móng vững chắc. Muốn tiến xa và tiến nhanh trong việc học tiếng Anh, bạn cần có cơ sở kiến thức cơ bản đúng và vững vàng.
2. Khi đã có kiến thức cơ bản, bạn cần phải va chạm nhiều, cọ xát nhiều với các tài liệu học tiếng Anh để củng cố kiến thức cơ bản và tiếp thu kiến thức nâng cao.
3. Khi bạn đã tiếp thu được hệ thống văn phạm tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao và có được một vốn từ kha khá (theo tôi là 10.000 từ trở lên) thì bạn không cần “học tiếng Anh” nữa. Tôi cam đoan với bạn là ngữ pháp tiếng Anh không có gì là mênh mông, bất tận cả, rằng bạn có thể học hết những kiến thức ngữ pháp tiếng Anh, trừ khi bạn muốn trở thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ này.
Tại sao tôi lại nói “không cần học tiếng Anh nữa” trong khi biển học là mênh mông, trong khi cả người bản xứ còn chưa hiểu hết về thứ tiếng mẹ đẻ của họ, huống hồ chúng ta? Xin bạn đừng hiểu lầm! Tôi không có ý mong bạn tự cao rồi tự cho là đủ mà không đả động gì nữa đến tiếng Anh. Bạn có thể an tâm rằng một khi bạn đã đạt được trình độ nhất định trong tiếng Anh thì việc tiếp tục học sẽ không còn là “học” nữa, mà sẽ là sự khởi đầu của một quá trình khám phá thú vị và bất tận. Lúc này, bạn sẽ thấy bạn học được nhiều điều mới mà không hề có cảm giác “học’. Lúc này, bạn chỉ việc dùng tiếng Anh để nâng cao tiếng Anh của mình. Và tôi xin nhấn mạnh rằng việc sử dụng tiếng Anh không chỉ giúp bạn học thêm nhiều điều mới mà nó còn giúp bạn không quên đi những điều “cũ”. Bạn hãy nhớ thêm một câu “tâm pháp” này nữa: “Use it or lose it”! (Kỹ năng nào không sử dụng sẽ bị mai một)
Cuối cùng, chúng ta không nên quên rằng, để việc học hiệu quả hơn, chúng ta cần phải xem nó là một thú vui, chứ không phải là một nhiệm vụ nặng nề. Để góp phần làm cho việc trao dồi tiếng Anh trở nên thú vị, có một phương pháp không thể không áp dụng: xem phim tiếng Anh. Đây không chỉ là một phương cách giải trí mà nó còn là một cách gia tăng “exposure” cho bạn đối với tiếng Anh. Xem một bộ phim tiếng Anh, bạn được nghe người bản xứ nói, hành động, ra dấu…Tất cả đều có ngữ cảnh rõ ràng, giúp bạn có thể hiểu ra nhiều từ mới, thành ngữ mới mà trước đó bạn chưa hề biết.
“Use it or Lose it’
Thanks ❤️
Rất hay …